Trong động thái tiếp tục khẳng định yêu cầu nội địa hóa, ngày 1/11, Indonesia chính thức cấm Google Pixel sau khi đã ban hành lệnh cấm với iPhone 16 của Apple chỉ một tuần trước đó.
Ảnh: Times Now
Sự việc này không chỉ khiến các tập đoàn công nghệ lớn phải nhìn lại chiến lược đầu tư tại thị trường Đông Nam Á mà còn cho thấy rõ quyết tâm của chính phủ Indonesia trong việc thúc đẩy công nghiệp địa phương.
Theo quy định của Indonesia, các thiết bị di động bán trong nước cần đáp ứng ít nhất 40% linh kiện sản xuất trong nước. Điều này có thể thực hiện thông qua sản xuất nội địa, phát triển phần mềm, hoặc đầu tư vào dự án công nghệ sáng tạo tại địa phương. Dù vậy, cả Google và Apple đều chưa đáp ứng yêu cầu này: Google Pixel chưa được sản xuất chính thức tại Indonesia, còn Apple vẫn đang cố gắng đạt cam kết đầu tư hơn 1,7 nghìn tỷ rupiah (khoảng 109 triệu USD), nhưng hiện chỉ đạt được 1,5 nghìn tỷ rupiah (95 triệu USD).
Febri Hendri Antoni Arief, phát ngôn viên của Bộ Công nghiệp Indonesia, cho biết quy định này nhằm đảm bảo công bằng cho tất cả nhà đầu tư. Mục tiêu của chính phủ Indonesia là không chỉ bảo vệ lợi ích kinh tế mà còn thu hút đầu tư nhằm phát triển chuỗi cung ứng nội địa và kỹ năng công nghệ trong nước. Những công ty như Samsung và Xiaomi đã thiết lập các nhà máy sản xuất tại Indonesia, góp phần đáp ứng các quy định nội địa hóa.
Đối với Google và Apple, cả hai công ty đều chưa lọt vào top 5 thương hiệu điện thoại phổ biến nhất tại Indonesia, nhường chỗ cho những thương hiệu có chiến lược đầu tư mạnh mẽ và sẵn sàng hợp tác với chuỗi cung ứng địa phương. Theo công ty nghiên cứu IDC, các nhà sản xuất hàng đầu ở Indonesia bao gồm Oppo và Samsung, các hãng đã thích ứng tốt với yêu cầu sản xuất địa phương của chính phủ.
Indonesia – nền kinh tế 1.000 tỷ USD với dân số hơn 270 triệu người – là một thị trường lớn đầy tiềm năng cho các hãng công nghệ. Tuy nhiên, những quy định nghiêm ngặt về nội địa hóa là thử thách cho các hãng lớn như Apple và Google. Trước áp lực cạnh tranh, các hãng này có thể phải điều chỉnh chiến lược và tăng cường quan hệ đối tác với các nhà cung cấp địa phương để tuân thủ quy định.
Đối với người tiêu dùng, Febri cho biết họ vẫn có thể mua các thiết bị như Google Pixel từ các nguồn quốc tế, miễn là trả đủ thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, để đảm bảo quy định được thực thi, Indonesia sẽ tiến hành giám sát và có thể hủy kích hoạt những thiết bị nhập lậu.
Quy định nội địa hóa của Indonesia không chỉ là bài toán kinh tế mà còn liên quan đến việc xây dựng một nền công nghệ mạnh mẽ trong nước, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung ứng quốc tế. Thực tế, việc đầu tư vào sản xuất địa phương và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ sẽ giúp Indonesia tăng cường vị thế và thu hút thêm vốn đầu tư từ các tập đoàn quốc tế.
Indonesia đang dẫn đầu xu hướng các quốc gia muốn cân bằng giữa thu hút đầu tư quốc tế và xây dựng nền công nghiệp tự chủ. Những quy định như thế này không chỉ đảm bảo công bằng cho các nhà đầu tư đã thiết lập nhà máy sản xuất tại đây, mà còn mở ra cơ hội phát triển cho ngành công nghệ địa phương.
Linh Dương
Nguồn: https://baodautu.vn/sau-iphone-16-den-luot-google-pixel-bi-cam-ban-o-indonesia-d229023.html