Trang chủ iPhone Động thái mới của Apple khi Indonesia cấm iPhone 16

Động thái mới của Apple khi Indonesia cấm iPhone 16

2
0
Rate this post

Apple được cho là đang có kế hoạch đầu tư thêm 10 triệu USD vào một nhà máy tại Indonesia, như một nỗ lực để chính phủ nước này gỡ lệnh cấm bán dòng iPhone 16 Series.
Bloomberg đưa tin ngày 5/11, Apple có kế hoạch đầu tư thêm 10 triệu USD để gia tăng sản xuất tại Indonesia. Động thái này nhằm giúp Apple tháo gỡ lệnh cấm bán dòng iPhone 16 Series tại nước này.

Kế hoạch của Apple bao gồm việc đầu tư vào một nhà máy tại Bandung, nằm ở phía Đông Nam Thủ đô Jakarta của Indonesia. Cơ sở này sẽ sản xuất các loại phụ kiện và linh kiện cho các thiết bị của Apple. Hiện Apple không có nhà máy riêng tại Indonesia và như hầu hết các công ty đa quốc gia khác, họ hợp tác với các nhà cung cấp trong nước để sản xuất linh kiện hoặc sản phẩm hoàn chỉnh.

Bloomberg thông tin rằng Apple đã gửi đề xuất này tới Bộ Công nghiệp Indonesia – cơ quan trước đó ngăn chặn việc cấp phép bán dòng iPhone 16 Series vì lý do Apple chưa đáp ứng yêu cầu về 40% tỷ lệ nội địa hóa cho điện thoại thông minh và máy tính bảng tại nước này.

Bộ Công nghiệp Indonesia đang xem xét đề xuất và quyết định sẽ sớm được đưa ra. Hiện Apple và Bộ Công nghiệp Indonesia đều từ chối bình luận về thông tin trên.

Apple có kế hoạch đầu tư thêm 10 triệu USD để gia tăng sản xuất tại Indonesia. Ảnh: Theo Jakarta Post.

Trước đó, ngày 25/10, Bộ Công nghiệp Indonesia tuyên bố ngừng cấp phép mua bán và tiếp thị iPhone 16 Series tại nước này, do Apple chưa thực hiện đầu đủ các nghĩa vụ đầu tư đã cam kết. Theo thống kê, Apple mới đầu tư khoảng 95 triệu USD vào Indonesia, thấp hơn mức cam kết ban đầu là 107,7 triệu USD.

Các quan chức cũng yêu cầu Tokopedia và TikTok có biện pháp ngăn chặn người bán iPhone 16 Series trên nền tảng của họ, nếu không sẽ đối mặt với hành động pháp lý.

Theo Bloomberg, lệnh cấm bán iPhone 16 Series tại Indonesia là động thái mới nhất từ chính quyền của tân Tổng thống Prabowo Subianto nhằm gây áp lực lên các công ty nước ngoài để thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo hộ doanh nghiệp địa phương. Mới đây, Indonesia cũng ban hành lệnh cấm bán điện thoại Google Pixel với lý do tương tự.

Những động thái này là sự tiếp nối chiến lược tương tự từ thời cựu Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Năm ngoái, Indonesia đã cấm ByteDance của Trung Quốc để bảo vệ ngành bán lẻ trong nước khỏi hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Để đổi phó với lệnh cấm, ByteDance phải đầu tư thêm 1,5 tỷ USD vào một liên doanh với Tokopedia – nền tảng thương mại điện tử của GoTo Group tại Indonesia.

Đầu năm nay, Chính phủ Indonesia áp dụng lệnh hạn chế nhập khẩu hàng nghìn sản phẩm từ thiết bị điện tử, lốp xe cho đến hóa chất, để buộc các công ty nước ngoài mở rộng sản xuất. Cách tiếp cận cứng rắn này có thể làm các công ty khác e ngại mở rộng hoạt động hoặc thiết lập sự hiện diện tại Indonesia ngay từ đầu, nhất là các công ty đang muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Đồng thời điều này có thể gây ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài của Tổng thống Prabowo Subianto để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tài trợ chính sách chi tiêu, tờ Bloomberg nhận định.

Năm 2023, tỷ trọng ngành công nghiệp sản xuất trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia giảm còn 18,7%, thấp hơn so với 21,1% của năm 2014.

Hà Anh

Nguồn: https://mekongasean.vn/dong-thai-moi-cua-apple-khi-indonesia-cam-iphone-16-35296.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây