Với iPhone Mini năm 2004, Táo khuyết đã cho thế giới thấy giá trị của sự nhỏ gọn – chiến lược được tập đoàn áp dụng trong hàng loạt sản phẩm sau này.
iPod Mini gây chú ý nhờ kiểu dáng nhỏ gọn, cùng Click Wheel huyền thoại của Apple. Ảnh: 9to5mac.
iPod Mini có thể không phải là dòng sản phẩm iPod nổi tiếng nhất. Nhưng đối với những người yêu thích âm nhạc và công nghệ, nó có một chỗ đứng đặc biệt. Năm 2004, khi iPod Mini lần đầu tiên ra mắt tại sự kiện Macworld, Steve Jobs – nhà sáng lập và CEO của Apple – chính là người đã giới thiệu sản phẩm này.
Ông gọi đây là lời hồi đáp của tập đoàn trước nhu cầu mua một chiếc máy nghe nhạc MP3 nhỏ gọn và có giá phải chăng.
Vị thế riêng biệt của iPod
Năm 2004, giá khởi điểm của iPod bản thường rơi vào khoảng 299 USD và có thể lên đến 399 USD. Mức giá này đã tạo ra một lỗ hổng mà Apple cần lấp đầy: một sản phẩm vừa túi tiền hơn cho đại đa số người tiêu dùng.
iPod Mini ra đời với giá 249 USD. Tại sự kiện ra mắt, Jobs cho biết iPod đã chiếm 31% thị phần máy nghe nhạc MP3, nhưng tham vọng của hãng không dừng lại ở đó. Họ muốn chiếm lĩnh thị trường lớn hơn nữa, cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ như Rio, Dell, iRiver và Creative. iPod Mini chính là con át chủ bài để thực hiện điều đó, theo The Verge.
iPod Mini có tuổi thọ tương đối ngắn trong lịch sưẢpple. Nhưng 20 năm sau, nó vẫn là một thiết bị mang tính biểu tượng có chỗ đứng đặc biệt đối với nhiều người. Ảnh: 9to5mac.
Vẻ ngoài của iPod Mini được phủ một lớp vỏ nhôm sành điệu với nhiều màu sắc khác nhau. Đây cũng là lần đầu tiên một sản phẩm iPod có màu sắc đa dạng. Nhờ đó, Mini trở nên khác biệt và mang tính cá nhân cao hơn so với iPod truyền thống chỉ có một màu trắng duy nhất.
Ngoài ra, với lớp vỏ nhôm, iPod Mini chống xước tốt hơn. Đó là một điểm mạnh nổi bật so với mặt lưng bằng thép bóng của iPod thông thường, vốn rất dễ bị trầy xước.
Theo David Pogue, một nhà báo công nghệ kỳ cựu của New York Times, thời đó, iPod Mini đã có một vị thế riêng biệt trên thị trường. iPod Mini xuất hiện vào thời điểm các đối thủ cạnh tranh đang chạy đua với nhiều tính năng độc đáo như khả năng ghi âm từ đài FM của Creative Zen Micro hay tính năng chia sẻ âm nhạc với 2 jack cắm tai nghe của Virgin.
Nhưng gã khổng lồ Cupertino không cần chiêu trò để bán được sản phẩm. Không cần đến các tính năng phụ trợ lạ lẫm, iPod Mini vẫn chạy iPod Software tương tự như các phiên bản cao cấp và tương thích đầy đủ với hàng loạt phụ kiện nhờ cổng kết nối 30 chân – thiết kế đặc trưng của Táo khuyết.
Sản phẩm ấn tượng nhưng vòng đời ngắn
Một điểm nhấn khác của iPod Mini chính là công nghệ Click Wheel. Đây là sáng kiến của Apple giúp tối ưu hóa không gian cho các nút điều khiển trên thiết bị nhỏ gọn này. Thay vì phải có các nút bấm rời rạc, Táo khuyết đã kết hợp bánh xe cảm ứng tròn và các nút chức năng thành một giao diện điều khiển duy nhất.
Theo The Verge, Click Wheel ra đời cùng iPod Mini và sau đó tiếp tục trở thành một đặc điểm không thể thiếu của các dòng iPod kế nhiệm, bao gồm cả iPod Classic. “Chúng tôi tin rằng đây là cách hoàn hảo để mang cả thư viện âm nhạc của bạn theo bên mình mà không phải lo lắng”, Jobs nói tại sự kiện ra mắt. Ông cũng đề cập đến dung lượng 4 GB của iPod Mini, tương đương với 1.000 bài hát.
Mặt lưng và cổng kết nối 30 chân của iPod Mini. Ảnh: 9to5mac.
Ban đầu, iPod Mini có khởi đầu khá thành công với hơn 100.000 đơn đặt hàng trước. Tuy nhiên, vòng đời của nó lại khá ngắn. Chỉ một năm sau đó, vào sự kiện Macworld 2005, gã khổng lồ công nghệ đã giới thiệu iPod Nano, được xem là người kế nhiệm của Mini.
Với cùng mức giá 249 USD nhưng kích thước nhỏ hơn đáng kể, iPod Nano trở thành sản phẩm tiêu biểu cho khả năng thu nhỏ mọi thứ của Apple. Cùng thời điểm đó, Táo khuyết cũng ra mắt iPod Shuffle – iPod đầu tiên có giá dưới 100 USD, mở rộng sự lựa chọn cho người dùng và giúp Táo khuyết xâm nhập vào thị trường MP3 giá rẻ.
Bài học về sự nhỏ gọn
Dù iPod Mini chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nó vẫn để lại một di sản quan trọng. Mini là điểm giao giữa iPod kích thước lớn truyền thống và các dòng sản phẩm nhỏ gọn hơn như Nano và Shuffle.
Nhờ iPhone Mini, Táo khuyết đã chứng minh một chiến lược thông minh. Đó là tập trung vào kích thước nhỏ và giá cả hợp lý. Điều này không chỉ tạo nên thành công cho iPod Mini mà còn định hình cách tập đoàn tiếp cận thị trường MP3 trong những năm sau đó.
Quan trọng hơn cả, Apple đã dạy cho thế giới thấy giá trị của sự nhỏ gọn – chiến lược được tập đoàn áp dụng trong hàng loạt sản phẩm sau này, The Verge nhận định.
Chỉ một năm sau khi ra mắt, iPod Mini bị ngừng sản xuất hoàn toàn và được thay thế bằng iPod Nano. Ảnh: Bloomberg.
Nhưng cũng như mọi xu hướng công nghệ khác, thời đại của iPod cũng đến lúc kết thúc. Năm 2007, chỉ vài tháng trước khi iPhone ra mắt, tập đoàn đã kỷ niệm cột mốc 100 triệu chiếc iPod được bán ra. Khi iPhone xuất hiện, mọi người nhanh chóng nhận ra sự tiện lợi của một thiết bị “tất cả trong một”.
Năm 2014, Táo khuyết chính thức ngừng sản xuất iPod Classic. Đến năm 2017, dòng sản phẩm Nano và Shuffle cũng lần lượt bị khai tử. Cuối cùng, vào năm 2022, Apple đã nói lời chia tay với thương hiệu iPod, khép lại một kỷ nguyên huy hoàng.
Dù vậy, gần đây một làn sóng hoài niệm đã nổi lên. Nhiều người dùng muốn quay lại với các dòng iPod cổ điển, thoát khỏi sự phiền phức của các nền tảng âm nhạc trực tuyến và thông báo trên điện thoại.
Thúy Liên
Nguồn: https://znews.vn/chiec-ipod-20-nam-tuoi-post1505491.html