Có tên là ‘Vesica Piscis’, thiết bị này được cho là dùng để thử nghiệm công nghệ nút phản hồi xúc giác. Đây là tính năng Apple dự định đưa vào iPhone 15 nhưng đã bị hủy.
iPhone “Vesica Piscis” sử dụng nhiều thành phần từ các mẫu iPhone 13 Pro và iPhone 14 Pro. Ảnh: AppleDemoYT.
Chiếc iPhone này được kênh AppleDemoYT tìm thấy tại một cơ sở tái chế điện tử. Chiếc iPhone “Vesica Piscis” đặc biệt ở chỗ không có logo Apple như bình thường. Thay vào đó là biểu tượng với hai hình trăng lưỡi liềm lồng vào nhau. Hình ảnh này từng xuất hiện trên phiên bản thử nghiệm của thiết bị AirTag trước đây, theo MacRumors.
Biểu tượng này được gọi là “vesica piscis” trong tiếng Latin, là một dạng hình học được tạo ra khi hai đĩa tròn có cùng bán kính giao nhau. Phần giao nhau sẽ tạo thành một hình giống con thoi.
Từ lâu, nó đã là nguồn cảm hứng cho nhiều lĩnh vực từ kiến trúc đến nghệ thuật, thường gắn liền với sự sáng tạo và thống nhất của 2 sự vật riêng biệt.
Logo từng xuất hiện trên AirTag. Ảnh: AppleDemoYT.
Về thiết kế, iPhone “Vesica Piscis” sử dụng nhiều thành phần từ các mẫu iPhone 13 Pro và iPhone 14 Pro, nhưng đồng thời sở hữu một số linh kiện không thuộc về bất kỳ dòng iPhone nào trong 2 mẫu trên.
Cụ thể, thiết bị này có một nút âm lượng và nút nguồn không phát ra tiếng “click” khi bấm.
AppleDemoYT cho rằng Táo khuyết có thể đã sử dụng thiết bị này để thử nghiệm công nghệ phản hồi haptic (xúc giác) cho nút bấm. Mặc dù Apple từng dự kiến tích hợp công nghệ này vào iPhone 15, tính năng này cuối cùng không được phát hành.
Bên cạnh đó, chiếc iPhone này chỉ có một nút điều chỉnh âm lượng duy nhất, thay vì 2 nút riêng biệt như thiết kế thông thường. Khe SIM cũng ngắn hơn, được cố định bằng ốc vít.
Hình khắc ở cạnh nút âm lượng cho thấy thiết bị này đang ở giai đoạn nguyên mẫu “Ranger” và được sử dụng để thử nghiệm thực tế. Đây là giai đoạn Apple đưa thiết bị ra môi trường thực tế để đánh giá độ bền và tính khả thi của các tính năng mới, trước khi sản xuất hàng loạt.
Ở bên trong, các linh kiện như camera không có chức năng và chỉ đóng vai trò là bộ phận hình thức. Số lượng dây nối bên trong ở mức tối thiểu, chỉ có 2 dây nối từ cổng sạc và các nút điều khiển với bảng mạch chính. Bảng mạch này có thiết kế đặc biệt, lai giữa iPhone 13 Pro và iPhone 14 Pro.
Khi được bật lên, màn hình của thiết bị hiển thị một thông báo cho biết quá trình khởi động bộ vi điều khiển đã hoàn tất. Khi kết nối với máy Mac, nó được nhận diện là “Bender” – cái tên lấy cảm hứng từ nhân vật trong loạt phim hoạt hình “Futurama”, theo MacRumors. Tuy nhiên, thiết bị không phản hồi với bất kỳ lệnh điều khiển nào.
Thông qua số seri, AppleDemoYT phát hiện thiết bị này được sản xuất vào tháng 5/2021 – thời điểm trước khi iPhone 13 Pro ra mắt. Tuy nhiên, nó không được xem là một bản thử nghiệm của iPhone 13 Pro, vì thiết bị nhiều khả năng đã được hoàn thiện vào thời điểm đó.
Thiết kế cụm camera của thiết bị lại giống iPhone 14 Pro. Nhưng sự kết hợp của nhiều thành phần không đồng nhất, nên rất khó xác định rõ mẫu mã.
Đây chỉ là bản thử nghiệm tính năng, không phải nguyên mẫu của dòng iPhone nào. Ảnh: AppleDemoYT.
Theo AppleDemoYT, chiếc iPhone “Vesica Piscis” nhiều khả năng là một thiết bị thử nghiệm cho các tính năng mới chứ không phải là nguyên mẫu của bất kỳ dòng iPhone nào. Nó có thể được thiết kế để thử nghiệm công nghệ nút nguồn xúc giác (Haptic).
Hồi tháng 7, Apple Insider từng tiết lộ nút xúc giác này vốn được lên kế hoạch cho iPhone 15 Pro. Nếu thiết bị đang bật, nút âm lượng và nút nguồn xúc giác sẽ tạo ra phản hồi cùng âm thanh nhấp chuột khi được nhấn.
Apple đã cố gắng bắt chước phản hồi và âm thanh các nút cơ học thường tạo ra, giống như cách hoạt động của Magic Trackpad. Song, tính năng này đột ngột bị loại bỏ vào đầu tháng 4/2023, Apple Insider cho biết.
Thúy Liên
Nguồn: https://znews.vn/chiec-iphone-hiem-hoi-khong-co-logo-apple-post1510193.html