Các công ty Trung Quốc, cùng với Apple và các đối tác sử dụng hệ thống của họ, là nhóm nhỏ không bị ảnh hưởng bởi sự cố ‘màn hình xanh’ lan rộng toàn cầu cuối tuần qua.
Hôm 19/7, bản cập nhật phần mềm Falcon Sensor của CrowdStrike, công ty an ninh mạng của Mỹ đã khiến Microsoft Windows bị sập và hiển thị màn hình xanh, được gọi một cách không chính thức là “màn hình xanh chết chóc” (BSOD).
Hàng nghìn chuyến bay và dịch vụ tàu hỏa đã bị hủy trên toàn cầu, trong đó có hơn 1.800 chuyến ở Mỹ. Đồng thời, nhiều dịch vụ công cộng và bán lẻ khác cũng bị gián đoạn.
Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp và công ty công nghệ “miễn nhiễm” trước sự cố này. Trong số này, có thể kể đến Apple và các doanh nghiệp Trung Quốc, nhờ việc không bị phụ thuộc vào CrowdStrike.
“Khu vườn đóng” giúp Apple
CrowdStrike, CEO George Kurtz nhận trách nhiệm về sai sót này và cho hay bản sửa lỗi phần mềm đã được phát hành. Ông cảnh báo rằng có thể phải mất thêm một thời gian nữa toàn bộ hệ thống mới khôi phục, trở lại bình thường.
Mặc dù vậy, lỗi gây ra sự cố này chỉ được tìm thấy trong một bản cập nhật dành cho máy chủ Windows. Theo đó, máy chủ Mac và Linux không bị ảnh hưởng.
Theo nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities, việc 2,2 tỷ thiết bị iOS của Apple không bị ảnh hưởng bởi sự cố an ninh mạng này chính là “lợi ích của hệ sinh thái Apple”.
Thiết bị chạy iOS không bị ảnh hưởng bởi sự cố toàn cầu của Microsoft. Ảnh: MacRumours.
“Mọi thứ đều được kiểm soát trong bốn bức tường của Apple Park”, Ives chia sẻ với CNBC.
Apple và Windows sử dụng hệ điều hành khác nhau. Cụ thể, iPhone, Mac và tất cả sản phẩm khác của Apple đều được chính công ty kiểm soát chặt chẽ về khâu bảo mật và cập nhật.
Trong khi đó, đối với Windows, các bản cập nhật diễn ra thường xuyên hơn và thư viện phần mềm của hãng cũng lớn hơn hệ sinh thái của Apple. Linux cũng có hệ điều hành riêng và không bị ảnh hưởng, ông Kurtz cho biết trong một tuyên bố trên X.
Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, CrowdStrike kiểm soát 18% trong thị trường phần mềm bảo mật điểm cuối (endpoint protection) trị giá 12,6 tỷ USD.
Hãng chỉ đứng sau đối thủ Microsoft với thị phần 25,8%. Endpoint protection cung cấp các giải pháp bảo mật được quản lý tập trung nhằm bảo vệ các điểm cuối như máy chủ, máy trạm và thiết bị di động kết nối với mạng doanh nghiệp.
Reuters dẫn lời từ một số nhà phân tích trong ngành từ lâu đã đặt ra những câu hỏi liệu quyền kiểm soát phần mềm quan trọng, ở quy mô toàn cầu như vậy liệu có nên chỉ nằm trong tay một số ít công ty hay không.
Không giống như Microsoft, Apple lại rất ít khi hợp tác với các bên thứ 3 như CrowdStrike. Ảnh: Bloomberg.
Hậu quả từ việc này giờ đã rõ. Một nửa công ty nằm trong danh sách Fortune 500 dùng phần mềm CrowdStrike lập tức trở thành nạn nhân khi hàng loạt thiết bị không thể khởi động.
Không giống như Microsoft, Apple lại rất ít khi hợp tác với các bên thứ 3 như CrowdStrike. Theo Ives, chính điều này khiến Apple ít bị ảnh hưởng hơn nhiều đối với doanh nghiệp bị phụ thuộc vào công ty an ninh mạng của Mỹ.
Trung Quốc hưởng lợi nhờ tìm cách tự chủ công nghệ
Bất chấp Trung Quốc đã có sự phát triển vượt bậc về công nghệ, hệ điều hành Windows của Microsoft vẫn là không thể thay thế trên thị trường tỷ dân này.
Theo tờ Rest of World, cho đến nay, Windows vẫn là sản phẩm được dùng rộng rãi nhất ở Trung Quốc với 80% thị phần.
Điều khiến lỗi Windows dẫn đến màn hình xanh trên máy tính đã trở thành chủ đề nóng trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc như Weibo. Nhiều văn phòng kinh doanh nước ngoài trên khắp cả nước đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố này.
Một số ít nhân viên còn bày tỏ lòng biết ơn đến hãng phần mềm khổng lồ của Mỹ vì đã giúp họ kết thúc tuần làm việc sớm hơn dự kiến.
Thậm chí, cụm từ “Cảm ơn Microsoft vì kỳ nghỉ sớm” đã lập tức trở nên thịnh hành trên khắp các trang mạng xã hội Weibo vào thứ sáu, khi người dùng đăng tải hình ảnh màn hình lỗi màu xanh.
Trên Xiaohongshu, một nền tảng truyền thông xã hội giống Instagram ở Trung Quốc, nhiều người dùng phàn nàn về khó khăn khi làm thủ tục nhận phòng tại các khách sạn quốc tế như Sheraton, Marriott và Hyatt tại các thành phố của Trung Quốc.
Nhờ sử dụng dịch vụ điện toán đám mây từ doanh nghiệp trong nước, các dịch vụ công của Trung Quốc phần lớn lại không bị ảnh hưởng bởi sự cố sập mạng toàn cầu. Ảnh: Bloomberg.
Mặc dù vậy, các dịch vụ công của Trung Quốc phần lớn lại không bị ảnh hưởng bởi sự cố sập mạng toàn cầu. Trang web và kênh truyền thông xã hội của Microsoft tại Trung Quốc cũng không đưa ra bất kỳ thông báo khẩn cấp nào.
Tính đến khoảng 18h theo giờ địa phương, không có báo cáo nào ở Trung Quốc về sự cố cơ sở hạ tầng. Trong khi cùng lúc, nhiều sân bay ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, từ Hong Kong đến Australia đều bị gián đoạn.
SCMP nhận định, khả năng “miễn dịch” của nhiều công ty Trung Quốc đối với sự cố Internet toàn cầu cho thấy nước này đã ít phụ thuộc hơn vào các nhà cung cấp dịch vụ phương tây như Microsoft hay CrowdStrike.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã triển khai một chiến dịch trên khắp các bộ phận chính phủ và các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng với mục đích thay thế phần cứng và hệ thống nước ngoài bằng sản phẩm từ các công ty nội địa như Alibaba, Tencent và Huawei.
“Đây là minh chứng cho cách Trung Quốc xử lý chiến lược các hoạt động công nghệ nước ngoài. Tại Trung Quốc, Microsoft được vận hành thông qua đối tác địa phương 21Vianet, đơn vị quản lý các dịch vụ một cách độc lập với cơ sở hạ tầng toàn cầu. Thiết lập này giúp các dịch vụ thiết yếu của Trung Quốc, như ngân hàng và hàng không tránh khỏi sự gián đoạn toàn cầu”, Josh Kennedy White, chuyên gia an ninh mạng tại Singapore cho biết.
Anh Tuấn
Nguồn: https://znews.vn/vi-sao-apple-tranh-duoc-su-co-man-hinh-xanh-toan-cau-post1487488.html