Trong nhiều năm qua, những phiên bản iPhone đắt nhất luôn thu hút sự chú ý, liên tục khan hàng và bị đẩy giá cao trên thị trường xách tay, với mức chênh lệch lên đến hàng chục triệu đồng khi về Việt Nam.
“Ngay sau ngày đầu mở bániPhone 16vào 27/9, cả nhóm chúng tôi đã cùng nhau ăn mừng vì kết quả kinh doanh vượt ngoài mong đợi”, người đại diện một hệ thống bán lẻ chia sẻ.
Mặc dù doanh thu tổng thể giảm nhẹ so với năm ngoái, ông cho biết con số này vẫn cao hơn nhiều so với dự báo đưa ra vào đầu tháng 8 khi bắt đầu kế hoạch bán iPhone mới. “Trong bối cảnh sức mua trên toàn thị trường giảm đáng kể, việc doanh thu iPhone 16 vượt 1.000 tỷ đồng cho thấy dòng sản phẩm Apple luôn có sức hút riêng,” ông nhận xét.
Trong ba năm qua, doanh thu ngày đầu mở bán iPhone luôn đạt trên nghìn tỷ, với đỉnh cao là năm 2022 khi iPhone 14 đạt mức 1.500 tỷ đồng.
Sự ưa chuộng phiên bản đắt nhất
Theo các công ty nghiên cứu thị trường, người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 và đầu 2024 đã giảm mua những smartphone cận cao cấp, đặc biệt là các dòng có giá trên 20 triệu đồng. Thay vào đó, phân khúc giá rẻ khoảng 5 triệu đồng lại phát triển, nhờ kinh tế khó khăn và nhu cầu nâng cấp từ điện thoại cục gạch lên smartphone do chính sách ngừng phát sóng 2G.
Ngược lại, iPhone lại là một câu chuyện khác. Từ năm 2022, khi iPhone chính hãng bắt đầu được thúc đẩy, các phiên bản đắt tiền luôn chiếm tỷ trọng cao. Với iPhone 16, 90% đơn đặt hàng tập trung vào hai mẫu iPhone 16 Pro và 16 Pro Max, trong khi bản tiêu chuẩn iPhone 16 và 16 Plus gần như bị bỏ qua.
Một trong những người đầu tiên sở hữu iPhone 16 Pro Max rạng sáng 27/9.
Tỷ lệ doanh số của hai phiên bản cao cấp này tại các hệ thống bán lẻ trong ngày mở bán đầu tiên đạt từ 60-80%. “Nếu Apple phân phối đúng nhu cầu thị trường hơn, đặc biệt với mẫu iPhone 16 Pro Max màu titan sa mạc, tỷ lệ này có thể còn vượt trên 90%,” đại diện một nhà nhập khẩu nói.
Tuy nhiên, điều đó cũng khiến một số hệ thống bán lẻ gặp khó khăn khi dự đoán sai nhu cầu khách hàng. Phiên bản iPhone 16 tiêu chuẩn năm nay có nhiều nâng cấp đáng kể, và khi người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, một số đơn vị dự đoán dòng này sẽ thu hút được sự chú ý. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy phiên bản tiêu chuẩn vẫn không hấp dẫn bằng phiên bản Pro Max, vốn thường xuyên “cháy hàng” và bị đẩy giá.
Sự lỗi thời nhanh chóng của màu sắc mới
Đầu tháng 10/2023, ngay sau khi mở bán chính thức, iPhone 15 Pro Max màu titan tự nhiên đã nhanh chóng “cháy hàng” trên khắp các hệ thống và thậm chí bị đẩy giá cao hơn 6 triệu đồng trên thị trường chợ đen.
Tuy nhiên, đến năm nay, màu titan tự nhiên lại trở thành màu ít được quan tâm nhất trên iPhone 16 Pro và 16 Pro Max, thậm chí giá bán còn thấp hơn niêm yết một triệu đồng sau hai ngày mở bán. Thay vào đó, màu titan vàng sa mạc đã trở thành “ngôi sao” mới.
“Người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng ưa chuộng màu sắc mới mẻ của iPhone thay vì gắn bó với một màu cố định,” ông Hoàng Tuấn, chủ một cửa hàng Apple lâu năm nhận xét. Xu hướng này liên tục diễn ra qua các năm: iPhone 14 Pro Max nổi bật với màu tím, iPhone 13 Pro Max là xanh dương, còn iPhone 12 Pro Max là màu vàng.
Chi tiền nhiều hơn để sở hữu iPhone xách tay sớm
Trong hai năm 2023 và 2024, Việt Nam đã nằm trong nhóm thị trường được ưu tiên mở bán sớm, chỉ sau một tuần so với những thị trường lớn khác trên thế giới. Tuy nhiên, iPhone xách tay vẫn được săn đón. Chiếc iPhone 16 Pro Max đầu tiên về Việt Nam vào ngày 20/9 có giá lên đến 79 triệu đồng, cao hơn 30 triệu đồng so với giá chính hãng sau đó 7 ngày. Tương tự, năm ngoái, iPhone 15 Pro Max xách tay cũng có giá gần 70 triệu đồng.
“Cầu lớn thì cung cũng phải đáp ứng,” Lê Hiếu, chủ một cửa hàng điện thoại tại Hà Nội, chia sẻ. “Nhiều người Việt coi iPhone là một món đồ xa xỉ, vì vậy việc mua ngay khi vừa ra mắt không chỉ thỏa mãn bản thân mà còn là món quà tặng ý nghĩa.”
Ông Nguyễn Văn Công, một người kinh doanh sản phẩm Apple, cho biết người Việt từ lâu đã chuộng iPhone, nhưng doanh thu khủng những năm gần đây phản ánh sự chuyển dịch từ hàng xách tay sang chính hãng.
“Trước thời iPhone 6, thị trường chủ yếu là hàng xách tay từ Hong Kong, Singapore, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc, khi đó người Việt đã cuồng iPhone không thua gì bây giờ,” ông Hoàng Tuấn, chủ cửa hàng Apple tại Hà Nội, nói. Ví dụ, những chiếc iPhone 4, iPhone 5 được mang về Việt Nam bị đẩy giá lên từ 25-40 triệu đồng dù giá gốc chỉ 16 triệu. Khi ấy, chủ yếu là hàng xách tay và không có thống kê chính thức về doanh số, nhiều cửa hàng sống nhờ vào việc bán iPhone.
Theo Saostar
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-doanh-va-tieu-dung/nghich-ly-thi-truong-iphone-o-viet-nam/20241021123553998